Xu hướng thời trang cao cấp đã qua sử dụng đang phát triển nhanh hơn nhiều so với các mặt hàng xa xỉ mới, với ước tính tăng trưởng hàng năm từ 12% đến 20% so với 3% của hàng xa xỉ mới[1]. Điều này có nghĩa rằng quy mô thị trường dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2026!
Các nền tảng như Esty, Vinted, The RealReal, Vestiaire Collective, Trenbe và Rebag đã trở thành những “ông lớn” trong lĩnh vực này. Ngay cả các nhà đấu giá truyền thống như Sotheby’s và eBay cũng đang tham gia vào thị trường. Những nền tảng này cung cấp dịch vụ xác thực và các sản phẩm được tuyển chọn, xây dựng niềm tin với người mua.
Những Động Lực Thúc Đẩy Làn Sóng Thời Trang Cao Cấp Đã Qua Sử Dụng
- Khả năng chi trả – Khi các mặt hàng cao cấp trở nên dễ tiếp cận
Chi phí cao của các sản phẩm xa xỉ mới có thể là một rào cản đáng kể đối với nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Theo nghiên cứu của ALTAGAMMA và Boston Consulting Group, người tiêu dùng trẻ tuổi chiếm một tỷ lệ lớn trong thị trường hàng cao cấp đã qua sử dụng. Millennials và Thế hệ Z chiếm hơn một nửa số lượng mua hàng xa xỉ đã qua sử dụng [2].
Thị trường thời trang cao cấp đã qua sử dụng cung cấp cơ hội sở hữu những tác phẩm thiết kế với giá chỉ một phần nhỏ so với chi phí ban đầu. Điều này mở ra cánh cửa sở hữu xa xỉ cho tệp đối tượng rộng hơn.
- Cuộc “săn lùng” giá trị: Niềm vui của việc sở hữu những món đồ độc nhất
Các nền tảng mua bán hàng cao cấp đã qua sử dụng mang đến một kho báu những món đồ độc đáo, bao gồm các sản phẩm vintage hoặc bộ sưu tập giới hạn có thể không còn được sản xuất.
Điều này đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa và tìm kiếm những món đồ đặc biệt của người tiêu dùng. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể sở hữu sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, có chất lượng cao với giá cả phải chăng hơn.
Nghiên cứu của Rodrigues và Rodrigues (2019) khám phá cách người tiêu dùng trẻ tuổi đánh giá giá trị của mặt hàng cũ cao cấp [3]. Họ nhận thấy rằng mặc dù tình trạng sản phẩm vẫn là một yếu tố quan trọng, nhưng thế hệ trẻ đánh giá cao tính bền vững, khả năng chi trả và tìm kiếm những món đồ độc đáo khi mua hàng xa xỉ đã qua sử dụng.
- Sự ảnh hưởng của nền tảng kỹ thuật số và mạng xã hội
Các nền tảng bán lại trực tuyến đã khẳng định vị thế của mình là những “ông lớn” trong thị trường thời trang cao cấp đã qua sử dụng. Các nền tảng như Vestiaire Collective, The RealReal và các nền tảng khác cung cấp dịch vụ xác thực đảm bảo sản phẩm là chính hãng, mang đến cho người mua sự yên tâm khi mua hàng.
Ngoài các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội cũng có ảnh hưởng đáng kể đến người tiêu dùng trẻ tuổi. Các nền tảng như Instagram, TikTok, YouTube và Pinterest cũng thúc đẩy các nhóm người có cùng sở thích, mang đến cho người dùng cảm thức thuộc về (sense of belonging).
Bên cạnh đó, sự ảnh hưởng của Influencers cùng với sự ra đời của nền kinh tế chia sẻ, đã góp phần vào thái độ tích cực hơn đối với việc mua và bán sản phẩm đã qua sử dụng.
- Tính bền vững – Sự chuyển hướng đến tiêu dùng có ý thức về môi trường
Người tiêu dùng trẻ hơn ngày nay, dẫn đầu bởi thế hệ Gen Z có ý thức về sinh thái, họ xem thời trang cao cấp đã qua sử dụngiện của sự xa xỉ bền vững
Theo một cuộc khảo sát gần đây về 350.000 người tiêu dùng Mỹ, người tiêu dùng Gen Z và Millennial có khả năng mua một sản phẩm cao hơn 27% khi họ tin rằng thương hiệu quan tâm đến tác động của mình đối với con người và môi trường. Phát hiện này cho thấy sức mạnh của tính bền vững trong việc ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của nhóm dân số này[4].
Tuổi thọ trung bình của các mặt hàng thời trang thay đổi tùy thuộc vào một số yếu tố, bao gồm chất liệu, chất lượng và chăm sóc. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy chúng rơi vào khoảng từ 3,3 đến 5,4 năm, với một số mặt hàng được sử dụng nhiều thì sẽ có thời gian ngắn hơn[5].
Bảng 1: Tuổi thọ trung bình của mặt hàng thời trang
Người tiêu dùng đang ngày càng nhận thức rõ hơn về tác động môi trường của ngành thời trang, đặc biệt là sự ảnh hưởng trong việc tạo ra chất thải. Việc mua các mặt hàng thời trang cao cấp đã qua sử dụng làm tăng tuổi thọ của các loại quần áo hiện có, giảm nhu cầu sản xuất mới và chi phí môi trường đi kèm.
Xu hướng thời trang cao cấp đã qua sử dụng- trong đó người tiêu dùng quan tâm đến chất lượng hơn số lượng và có mong muốn sở hữu những món đồ vượt thời gian. Phong trào này sẽ góp phần đáng kể vào việc kéo dài tuổi thọ của quần áo và giảm khối lượng chất thải thời trang.
Những Thách Thức Khi Bước Vào Thị trường Thời Trang Cao Cấp Đã Qua Sử Dụng
- Cạnh tranh mạnh mẽ – Sự khác biệt trong một thị trường đông đúc
Các đối thủ cạnh tranh lớn như The RealReal, Vestiaire Collective và Rebag đã có vị trí vững chắc với độ nhận diện thương hiệu và sự tin tưởng của khách hàng.
Để nổi bật trong thị trường thời trang cao cấp đã qua sử dụng này, doanh nghiệp cần có điểm bán hàng độc nhất (USP). Điều này có thể gồm các yêu cầu như đảm bảo sự khác biệt rõ ràng của các sản phẩm, cung cấp dịch vụ, trải nghiệm, xây dựng mối quan hệ với khách hàng phù hợp với thương hiệu.
- Nguồn cung hàng hóa – Nghệ thuật của đôi mắt tinh tường về chất lượng
Xây dựng một nguồn cung hàng hóa cao cấp đã qua sử dụng chất lượng cao đáng tin cậy và nhất quán là rất quan trọng. Điều này có thể bao gồm hợp tác với các cửa hàng vintage, bán đấu giá tài sản hoặc người bán cá nhân. Các doanh nghiệp mới cần thiết lập mối quan hệ mạnh mẽ với các nguồn này để đảm bảo một dòng chảy ổn định của các mặt hàng hấp dẫn.
- Đảm bảo tính xác thực – Nền tảng cho sự tin tưởng của khách hàng
Đảm bảo tính xác thực là rất quan trọng đối với thời trang cao cấp đã qua sử dụng. Các doanh nghiệp mới cần đầu tư vào các quy trình xác thực mạnh mẽ, có thể thông qua chuyên môn nội bộ, hợp tác với các dịch vụ xác thực hoặc các giải pháp công nghệ như blockchain. Việc xây dựng lòng tin với người tiêu dùng là rất quan trọng.
Là một người chơi mới, xây dựng lòng tin với cả người mua và người bán mất thời gian. Cung cấp các mô hình giá cả cạnh tranh, quy trình minh bạch và dịch vụ khách hàng tuyệt vời là rất quan trọng để thiết lập một danh tiếng tích cực.
- Marketing và thu hút khách hàng – Trụ cột cho thành công trong tương lai
Việc tiếp cận được đối tượng mục tiêu và xây dựng nhận biết thương hiệu có thể tốn kém, đặc biệt là khi cạnh tranh với các đối thủ đã được thành lập. Các doanh nghiệp mới cần phát triển một chiến lược marketing mạnh mẽ, có thể tận dụng người có sức ảnh hưởng (Influencers) trên mạng xã hội và quảng cáo trực tuyến để thu hút khách hàng tiềm năng.
- Thách thức quy trình vận hành
Quản lý hậu cần, bao gồm lưu trữ an toàn, chụp ảnh và quy trình vận chuyển hiệu quả, yêu cầu một hệ thống vận hành trơn tru. Ngoài ra, dịch vụ khách hàng cần phải đặt lên hàng đầu, giải quyết các mối quan tâm về tính xác thực, trả hàng và trải nghiệm mua hàng của khách hàng.
- Mối đe dọa của hàng giả nhãn hiệu
Cùng với sự phát triển của thị trường thời trang cao cấp đã qua sử dụng, hàng giả đã tăng nhanh trong những năm gần đây! Tình huống ‘điểm nghẽn’ này có thể có những hậu quả tiêu cực về tài chính và uy tín thương hiệu.
Để chống lại sự gia tăng hiện tại của các mặt hàng giả, việc sử dụng các công nghệ tiên tiến như mã QR hoặc dấu khắc cho phép nhận dạng và tính hợp pháp của sản phẩm là điều đáng cân nhắc. Tuy nhiên, các công nghệ này thường đi kèm với chi phí rất cao.
Cuộc Cách Mạng Kỹ Thuật Số – Sự Thay Đổi Trong Mô Hình Ngành Thời Trang Cao Cấp
Theo báo cáo năm 2024 của ThredUp cho thấy thị trường toàn cầu sẽ đạt 350 tỷ đô la vào năm 2028 [5]. Hoàn toàn có thể thấy rằng, phân khúc thời trang cao cấp đã qua sử dụng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ!
Nhưng điều gì đóng góp chính vào sự tăng trưởng của thị trường này?
Thực tế là một phần lớn đang được mua thông qua các kênh trực tuyến. Ngày nay, các nền tảng trực tuyến như The RealReal, The Luxury Closet và Vestiaire Collective đã mở đường cho Recommerce (việc mua bán các mặt hàng cũ thông qua các thị trường trực tuyến) trong thị trường cao cấp đã qua sử dụng, kết nối người bán và người mua bằng cách tạo ra các thị trường trực tuyến.
Recommerce: Xu Hướng Thay Đổi Hành Vi Tiêu Dùng
Ngày nay, nhận thức về các phân khúc thời trang cao cấp đã qua sử dụng đã thay đổi đáng kể do sự số hóa, đặc biệt bởi sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử.
Nếu như trước đây, việc mua một món đồ xa xỉ giống như một cuộc ‘hành hương’ tại các cửa hàng – vốn bị giới hạn mặt địa lý và chỉ có thể tiếp cận được bởi một số lượng người hạn chế.
Điều thú vị là bối cảnh đang thay đổi. Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử xa xỉ đã qua sử dụng, sự chuyển dịch hướng tới khả năng chi trả và khả năng tiếp cận đang mở rộng phạm vi tiếp cận của người tiêu dùng và giảm bớt các rào cản gia nhập.
Các nền tảng thời trang cao cấp đã qua sử dụng trực tuyến cũng phù hợp với cách người tiêu dùng trẻ khi mua sắm trên điện thoại của họ, hay khi họ có thời gian, thay vì đến các cửa hàng mở cửa.
Các chuyên gia dự đoán sự tăng trưởng của nền tảng thời trang cao cấp đã qua sử dụng này sẽ tiếp tục mạnh mẽ. Theo dữ liệu từ McKinsey: “Các nền tảng kỹ thuật số chuyên cho việc giao dịch hàng hóa đã qua sử dụng, với thị phần từ 25–30 phần trăm, đang thúc đẩy phần lớn sự tăng trưởng của ngành, với dự đoán sẽ mở rộng từ 20–30 phần trăm hàng năm.”
Có thể thấy rằng, vượt xa việc chỉ là một hiện tượng, đây là một danh mục phát triển mạnh mẽ, các nền tảng thời trang cao cấp đã qua sử dụng trực tuyến ngày càng đóng vai trò là một xu hướng khởi xướng cho những người tiêu dùng hàng xa xỉ.
Thành Phần Quan Trọng Của Nền Kinh Tế Tuần Hoàn
Mua bán thời trang cao cấp đã qua sử dụng trực tuyến đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn bằng cách định nghĩa lại vòng đời của các mặt hàng xa xỉ. Điều này không chỉ thúc đẩy việc tái sử dụng các sản phẩm chất lượng cao, giảm thiệu việc chúng kết thúc vòng đời trong các bãi rác, mà còn nuôi dưỡng một văn hóa tái chế bằng cách giữ cho những mặt hàng này lưu thông lâu hơn.
Ngoài ra, khi người tiêu dùng ngày càng ưu tiên yếu tố thân thiện với môi trường, mua bán lại hàng cao cấp đã qua sử dụng nổi bật như một thành phần quan trọng trong việc tạo ra một ngành thời trang bền vững và có ý thức về môi trường hơn.
Tạo Hình Tương Lai: Cơ Hội Tiềm Năng Cho Sự Phát Triển Của Thời Trang Cao Cấp Đã Qua Sử Dụng
“Tương lai của thời trang là bán lại” – nền tảng toàn cầu Farfetch
Nhìn về phía trước, nhu cầu về thời trang thân thiện với môi trường, tuần hoàn cũng như ngành thời trang cao cấp đã qua sử dụng sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển.
Hơn nữa, sự bùng nổ của các nền tảng kỹ thuật số, thương mại điện tử hoặc các thị trường trực tuyến đã rõ ràng định hình lại ý định mua hàng của người tiêu dùng trong việc mua, bán và nhận thức về thời trang cao cấp đã qua sử dụng. Điều có thể dự đoán được rằng các nền tảng số sẽ tiếp tục là ‘xương sống’ của việc thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường này.
Khi ngành công nghiệp thời trang cao cấp đã qua sử dụng tiếp tục phát triển, việc nắm bắt công nghệ và ưu tiên cá nhân hóa trong khi vẫn trung thành với các nguyên tắc của sự cao cấp sẽ là chìa khóa để các thương hiệu phát triển trong lĩnh vực đầy năng động này.